AI là gì?

AI viết tắt cho cụm từ Artificial Intelligence nghĩa là trí thông minh nhân tạo.


Nói một cách chi tiết thì AI là một sự giả lập quá trình xử lý thông minh của con người (human intelligence) bởi máy móc, mà đặc biệt là hệ thống máy tính (computer systems). Một hệ thống AI cơ bản thông thường sẽ gồm 3 quá trình chính như sau:


Learning: học – đây là quá trình thu nhận thông tin và các luật (rules) cho việc sử dụng thông tin đó. Nói cách khác đó chính là quá trình nạp vào cho máy móc 1 tập dữ liệu và những xử lý cơ bản về lĩnh vực mà người tạo ra nó mong muốn.


Reasoning: lý luận, suy luận – quá trình này sử dụng các rules và thông tin đã được nạp từ bước 1 để xử lý một bài toán cụ thể nào đó. Tùy vào từng bài toán sẽ cho đầu ra là 1 giá trị gần đúng (chẳng hạn như đưa ra dự đoán về 1 hiện tượng, xu thế, …) hay đưa ra được 1 kết luận dựa trên bộ cơ sở đúng (ví dụ như detect khuôn mặt người).


Self-Correction: tự sửa chữa, thay đổi – đây là quá trình quan trọng nhất của AI. 2 quá trình đầu mang tính chất của 1 machine (máy móc) thông thường. Nếu không có bước self-correction này thì 1 hệ thống sẽ không được xem là AI hoàn chỉnh. Trong quá trình sử dụng, hoạt động, hệ thống AI có nhiệm vụ tự học thêm trong thực tiễn và thay đổi những điều cho là đúng trong hệ thống. Cập nhật thông tin và sửa luật giúp cải thiện hệ thống, giữ được tính chính xác của hệ thống.


LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA AI


John McCarthy là người đầu tiên thiết lập thuật ngữ artificial intelligence vào thập niên 1950, đến nay AI đã phát triển được qua gần 70 năm và đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc. Trước đây khi nói đến AI, thường người ta nghĩ nó gắn liền với robot, như Asimo – một con robot (humanoid robot) rất nổi tiếng được phát triển bởi Honda vào những năm 2000; thật ra phải hiểu AI là phần chứa bên trong robot thì mới đúng. Nó tương đương với bộ não của con người, còn robot chỉ là phần thân bên ngoài. Ngày nay các hệ thống trợ lý ảo đang được phát triển mạnh trên các thiết bị di động thông minh cũng như nhà thông minh như Siri (Apple), Google Assistant (Google), Cortana (Microsoft) hay Bixby (Samsung), chúng cũng là những đại diện tiêu biểu của thế hệ AI mới. Trong đó phần mềm và dữ liệu đấy chính là AI, cái tương tác với người dùng là giọng nói nó chỉ là user interface (UI) mà thôi (cũng chính vì thế mọi người thường không hình dung đấy là AI).


PHÂN LOẠI AI


Có nhiều cách thức phân loại AI, xét về mặt năng lực tính toán thì AI có thể chia thành 3 loại sau:


ANI (Artificial Narrow Intelligence)


ADVERTISEMENT


REPORT THIS AD


ANI là AI có năng lực tính toán yếu, tập trung vào 1 lĩnh vực (hẹp) nhất định. Ví dụ như con AI A lphaGo của Google có thể đánh thắng nhà vô định thế giới về cờ vây. Tuy nhiên đấy lại là điều duy nhất nó có thể làm được. Và nếu bạn yêu cầu nó gửi 1 tin nhắn cho người thân của bạn thì nó sẽ không thể thực hiện được.


AGI (Artificial General Intelligence)


AGI là AI có năng lực xử lý mạnh, AI cấp con người, có thể xử lý được bất kì nhiệm vụ trí tuệ nào của con người, tương đương với 1 bộ não người thực thụ. Tuy nhiên hiện tại thì còn người vẫn chưa chế tạo được AI cấp AGI. Trí tuệ là 1 năng lực tinh thần rất chung bao gồm không hạn chế khả năng lý luận, lập kế hoạch, giải quyết vấn đề, tư duy trừu tượng, học hỏi nhanh từ kinh nghiệm. Với tốc độ phát triển hiện nay của bộ xử lý (CPU), tương lai con người có thể chinh phục được AGI là không xa. Và nếu xây dựng đươc AGI thì nó sẽ làm được hết những việc mà bạn có thể làm (tất nhiên là cả những việc các bạn không thể làm).


ASI (Artificial Superintelligence)


ASI là AI cấp siêu trí tuệ thông minh hơn tất cả những bộ não uyên bác nhất thế giới ở mọi lĩnh vực bao gồm cả sáng tạo khoa học, trí khôn thông thường và năng lực xã hội. ASI là lí do mà người ta hay nhắc đến sự nguy hiểm của AI đối với con người, sự tuyệt chủng hay bất tử là những khái niệm thường được truyền cảm hứng đến những bộ phim khoa học viễn tưởng về trí tuệ nhân tạo.


TẠI SAO AI LẠI THÔNG MINH ĐƯỢC HƠN CON NGƯỜI?


Đã qua rồi cái thời con người ta nhắc đi nhắc lại câu nói: “dù sao nó cũng chỉ là một cỗ máy”, hiện tại cỗ máy mà bạn nói đã có thể hiểu được bạn nghĩ gì, cảm xúc hiện tại của bạn, và thông minh hơn những gì bạn có thể tưởng tượng. Chìa khoá của vấn đề nằm ở từ khoá: mạng Internet. Internet ra đời những năm 1970, tức là sau khi John McCarthy đưa ra khái niệm trí tuệ nhân tạo khoảng 20 năm. Nhưng đấy chính là chìa khoá cho sự phát triển thần tốc như ngày nay của AI.


Đã bao giờ bạn phát rồ vì không thể giải thích nổi tại sao một đứa bạn ngồi cạnh mình luôn được điểm quá cao trong những kì thi, dù cho bạn học chăm chỉ thế nào đi nữa. Vậy giải pháp là gì? Chép bài của chính nó. Nghe thì có vẻ tiêu cực, nhưng nguyên tắc xây dựng 1 cỗ máy thông minh cũng tương tự như vậy. Khi được rắp láp lên từ những bộ phận, chi tiết nhỏ bằng nhựa, bằng sắt, bằng các bảng mạch, cỗ máy của bạn đơn giản là 1 phần cứng không trí tuệ. Nhưng khi bạn cho nó học, thực chất là sao chép những kiến thức tuyệt vời từ những đứa mà bạn cho là thông minh trên vào cỗ máy của bạn, nó có thể thông minh hơn bất cứ ai. Tại sao? Có 3 nguyên do như sau:


Việc học diễn ra rất nhanh: Nếu như con người ta cần 8h để nạp lại năng lượng bằng việc ngủ mỗi ngày thì 1 con robot không cần đến từng ấy thời gian.


Việc học từ rất nhiều nguồn: Nếu như một người mất trung bình 2h đồng hồ để đọc hết 1 cuốn sách thì chú AI của bạn chắc sẽ chỉ cần dưới 2 phút để ăn cuốn sách ấy. Và tất nhiên chú không cần ra hiệu sách để mua, cũng không cần dở từng trang để đọc. Việc tự động lấy sách từ Internet về đọc khiến chú AI của bạn có 1 lượng dữ liệu khổng lồ mà cả đời bạn cũng không thể nuốt hết 1 phần nhỏ trong đó.


Học mà không quên, chỉ sợ hết bộ nhớ: Thật ra thì đến giờ các nhà khoa học cũng đã tính được dung lượng của bộ não người, nó rơi vào tầm 3-1000 terabyte, một con số khá lớn. Tuy nhiên với việc nhớ nhớ quên quên thì khả năng học của con người sẽ rất hạn chế so với những cỗ máy chỉ nhớ không biết quên này. Có chăng sự cố chập điện có thể ảnh hưởng đến bộ não nhân tạo ấy, tuy nhiên cũng như tai nạn giao thông mà thôi.


ALPHAGO ĐÃ CHIẾN THẮNG KIỆN TƯỚNG CỜ VÂY NHƯ THẾ NÀO?


AlphaGo là chương trình máy tính cờ vây do Google DeepMind phát triển. Tháng 10 năm 2015, AlphaGo trở thành chương trình máy tính đầu tiên đánh thắng 1 kì thủ cờ vây chuyên nghiệp. Cờ vây được xem là một môn thể thao trí tuệ có độ phức tạp cực kỳ cao với tổng số nước đi là xấp xỉ 10^761, so với cờ vua là 10^120 và tổng số nguyên tử trong toàn vũ trụ là khoảng 10^80!! Vì vậy, thuật toán phải chọn ra 1 nước đi tối ưu trong số hàng nhiều tỉ tỉ lựa chọn. Về cơ bản, AlphaGo sẽ được cung cấp dữ liệu từ các ván cờ do con người chơi với nhau được đưa vào để huấn luyện. Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của AlphaGo không phải là chơi như con người mà phải thậm chí thắng cả con người. Vì vậy, sau khi học xong các ván cờ của con người, AlphaGo tự chơi với chính nó với hàng triệu ván chơi để tìm ra các nước đi mới tối ưu hơn. 


Như vậy với sức mạnh từ khả năng tính toán liên tục, tự học từ chính những kiến thức sẵn có, AlphaGo gần như không cho phép con người có cơ hội nào chiến thắng trong cuộc đấu với mình. Có 1 điểm đáng chú ý trong cuộc đấu của AlphaGo với Lee Sedol (kì thủ Cờ Vây người Hàn Quốc) là AlphaGo đã để thua ở ván thứ 4 trước khi chiến thắng với tỷ số 4-1 chung cuộc. Câu hỏi đặt ra là AlphaGo đã thua, hay đã cố ý để thua; chúng ta không thể tự hào vì 1 ván thắng của trí tuệ con người mà nên tự lo lắng dần vì màn thua bất ngờ đó của AlphaGo. Nếu nó thực sự biết thua thì quả là đáng sợ!!!


LỜI KẾT


Hiện nay, cả thế giới đang nhắc đến cuộc cách mạng lần thứ 4; các thuật ngữ về AI, Maching Learning, Big Data, IOT đã quá phổ biến. Bài viết chỉ dám đưa ra những khái niệm tổng quan nhất về AI, về 1 thế hệ mới của trí thông minh nhân tạo mà con người sẵn sàng tạo ra và đối mặt.


Mục tiêu của blog cũng là tạo ra 1 nơi cùng tìm hiểu, cùng chia sẻ những kiến thức về AI, tìm những hướng đi của riêng mỗi người trong hàng tỷ tỷ những khái niệm xa vời nhất. Ngay từ cái tên của blog: Love AI From Zero, bọn mình đều là những tay ngang, có niềm yêu thích tìm hiểu về AI. Hy vọng sẽ được sự quan tâm của tất cả mọi người.


Nguồn: AnywayNguồn: Anyway


TAGS